Điện thoại hỗ trợ:
0907 522 562

Khởi động chương trình cộng đồng về phòng, chống kháng thuốc

Ngày đăng: 23-11-2024 15:22:14

Đó là chương trình hưởng ứng Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030 theo Quyết định 1121/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm kêu gọi người dân cùng hành động phòng, chống tình trạng kháng thuốc kháng sinh để bảo vệ con người, xã hội và các thế hệ tương lai.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Lê Hảo

Ngày 22-11, Bộ Y tế tổ chức mít tinh hưởng ứng Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc và hội nghị triển khai kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế 2024-2025.

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng thuốc (AMR) từ ngày 18-11 đến 24-11.

Năm nay, WHO đưa ra chủ đề là “Giáo dục, vận động, hành động ngay” nhằm mục đích đẩy nhanh các nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của kháng thuốc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững.

“WHO đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Trước thực tế đó, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn kêu gọi toàn bộ ngành Y tế tại tất cả các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện chiến lược quốc gia và kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân hiện tại và sức khỏe của các thế hệ tương lai, bảo vệ nguồn kháng sinh quý giá tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Cùng ngày, Sandoz Việt Nam cũng đã tổ chức họp báo chiến dịch: “Kháng sinh đúng liều - đủ yêu tổ ấm’’. Theo ước tính của WHO, từ năm 2020-2023 Việt Nam có khoảng 269.681 ca tử vong do đề kháng kháng sinh. Tỷ lệ kháng kháng sinh tại Việt Nam ở mức cao do nhiều yếu tố như lạm dụng và sử dụng kháng sinh quá mức, bán thuốc kháng sinh không có đơn thuốc của bác sĩ và chỉ định sử dụng kháng sinh chưa phù hợp.

Quang cảnh họp báo "Kháng sinh đúng liều-Đủ yêu tổ ấm". Ảnh: Thu Trang

Ông Charaf Eddine Kadri, Tổng Giám đốc Sandoz Việt Nam cho rằng, việc mua kháng sinh không có đơn thuốc tại các nhà thuốc cho những bệnh như cảm cúm thông thường và việc sử dụng kháng sinh không phù hợp sẽ gia tăng nguy cơ người bệnh bị tác dụng không mong muốn, làm cho kháng sinh trở nên kém hiệu quả khi điều trị các bệnh lý nhiễm trùng. Điều này sẽ tạo ra một vòng xoáy buộc phải sử dụng các loại kháng sinh mạnh hơn để điều trị những bệnh lý nhiễm trùng đơn giản, dễ điều trị trước đây cho người bệnh, kể cả trẻ em.

Với chủ đề “Kháng sinh đúng liều - Đủ yêu tổ ấm”, chương trình cộng đồng về phòng, chống kháng kháng sinh do Sandoz Việt Nam khởi xướng được triển khai trong thời gian 5 năm (từ ngày 1-11-2024 đến ngày 31-12-2028, tập trung tiếp cận thông tin và giáo dục cộng đồng rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.

Trước thực trạng đáng lo ngại do kháng kháng sinh hiện nay, dược sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch Hội Dược học thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, người dân phải thực hiện sử dụng kháng sinh đúng cách, đúng loại, đúng liều lượng, không tự ý nâng liều lượng… Đồng thời, kêu gọi các dược sĩ cùng chung tay truyền đạt thông tin để người dân sử dụng thuốc đúng cách; phấn đấu đến năm 2045 người bệnh không bị kháng kháng sinh.

Nguồn: hanoimoi.vn


Bài viết liên quan

zalo
0907 522 562