Biểu hiện ban đầu của sởi là sốt, ho và chảy nước mũi, còn sốt phát ban là nổi ban đỏ hoặc hồng sau sốt, cách điều trị cả hai bệnh là giảm triệu chứng.
Theo BS.CKI Phạm Thị Ngọc Phú, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cả hai bệnh lý này đều do virus gây ra, lây lan nhanh, nguy cơ bùng phát thành dịch, nhất là trong những thời điểm giao mùa. Phân biệt rõ sởi, sốt phát ban ngay từ khi trẻ phát bệnh giúp điều trị sớm, phòng biến chứng.
Nguyên nhân
Thủ phạm gây sốt phát ban ở trẻ là các chủng virus đường hô hấp như Rubella, sởi, virus Human Herpes 6, virus Human Herpes 7..., hay vết cắn côn trùng gây nhiễm khuẩn. Trong khi đó, nguyên nhân gây sởi là virus sởi Polinosa morbillarum.
Dấu hiệu
Biểu hiện của sốt phát ban là nổi ban đỏ hoặc hồng sau khi sốt. Những nốt ban này thường xuất hiện ở ngực, bụng hoặc toàn thân theo từng cụm li ti, bề mặt sần sùi. Khi lặn nốt ban không để lại sẹo, thâm.
Ngược lại, trẻ bị sởi ở giai đoạn đầu (khởi phát) cũng có dấu hiệu thường gặp là sốt, ho, chảy nước mũi... kèm đốm koplik trong má. Sau đó, đến giai đoạn phát ban xuất hiện ban đỏ, sần ở vùng trán, mắt, cổ, lòng bàn tay, bàn chân. Tuy nhiên khi lặn, chúng để lại vết thâm trên da trẻ.
Sốt là biểu hiện thường gặp ở giai đoạn đầu khi trẻ bị sốt phát ban và sởi. Ảnh minh họa: Đình Lâm
Thời gian ủ bệnh
Với sốt phát ban, tùy thuộc vào chủng virus mà thời gian trẻ mắc và ủ bệnh sẽ khác nhau. Trong khi đó, trẻ bị sởi thường kéo dài khoảng 7-21 ngày, giai đoạn khởi phát khoảng 4-7 ngày, ba ngày sau bắt đầu xuất hiện phát ban và lặn dần sau 5-6 ngày.
Biến chứng
Sốt phát ban ít khi gây biến chứng, song một số trường hợp đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ bị viêm tai giữa, viêm não, viêm phổi, hội chứng Guillain Barre... Trong khi đó, trẻ bị sởi có thể gây tiêu chảy, viêm phổi, suy dinh dưỡng, viêm loét miệng, viêm não, viêm màng não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, mù lòa, tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2022, ước tính có khoảng 136.000 ca tử vong do bệnh sởi trên toàn cầu, chủ yếu là ở trẻ em dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm chủng.
Cách điều trị
Vì đều là bệnh do virus gây ra nên không sử dụng thuốc kháng sinh điều trị hai bệnh này, trừ trường hợp bội nhiễm do vi khuẩn. Điều trị giảm triệu chứng bệnh như hạ sốt, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, vệ sinh cơ thể, mũi họng bằng nước muối sinh lý. Trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung vitamin A, khoáng chất...
Bác sĩ Ngọc Phú cho biết nếu được chăm sóc đúng cách và dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp, đa số trẻ bị sởi và sốt phát ban đều có thể tự khỏi. Phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức đề kháng, miễn dịch cho trẻ bằng cách tiêm vaccine đủ mũi và đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Đảm bảo chế độ ăn hàng ngày của trẻ có đủ 4 nhóm chất thiết yếu gồm đạm, chất béo, bột đường, vitamin và khoáng chất, nhiều rau củ quả, bổ sung sữa chua để hỗ trợ tiêu hóa, cho trẻ uống đủ nước. Giữ nhà cửa, không gian vui chơi của bé sạch sẽ, thoáng đãng, vệ sinh cơ thể, mũi họng trẻ thường xuyên, hạn chế đến nơi đông đúc, vùng dịch... Khám sức khỏe định kỳ và đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh.
(Nguồn vnexpress.net)