Điện thoại hỗ trợ:
0907 522 562

Tọa đàm về "An toàn GTĐS - Thực trạng và giải pháp"

Ngày đăng: 15-06-2018 10:06:57

Ngày 1/6, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức buổi tọa đàm "An toàn giao thông đường sắt - Thực trạng và giải pháp" nhằm chia sẻ ý kiến của các các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại biểu Quốc hội, đánh giá một cách khách quan, cùng truy tìm nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đường sắt và đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo sự an toàn cho các chuyến tàu.

Đường sắt quá lạc hậu, không thể làm cách mạng 4.0 với ‘tàu chợ’

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, chúng ta đã có nhiều "vun vén" cho hạ tầng kỹ thuật ngành đường sắt, nhưng phải thừa nhận là từ khâu xây dựng thể chế cho đến đầu tư, cho đến quá trình thực hiện đều rất chậm. 

Hạ tầng kỹ thuật cho ngành đường sắt đã xuống cấp nhiều, cần vốn đầu tư lớn nên rất khó khăn. Về đầu tư, ngành đường sắt không được đầu tư lớn, từ nay đến năm 2020 cần khoảng 950.000 tỉ nhưng chỉ có thể được cấp khoảng 135.000 tỉ đồng.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phùng Quang Hùng cũng cho rằng việc đầu tư vào ngành đường sắt như hiện nay là quá thấp và gần như bị lãng quên. Ngay cả việc duy tu, bảo dưỡng cũng chỉ đáp ứng được 30%. Vì vậy, cần có chính sách thúc đẩy sự phát triển ngành đường sắt, trước tiên là công tác duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn giao thông.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng việc vận hành hệ thống an toàn đường sắt quá lạc hậu, thế giới đã bước vào thời kỳ cách mạng 4.0 trong khi ở nước ta việc gác chắn vẫn phụ thuộc vào một số nhân viên thủ công. Chúng ta không thể bước vào thời kỳ cách mạng 4.0 trên "cái nền mới chỉ 1.0 hay 0.4", khi vẫn đang sử dụng các hệ thống "tàu chợ". 

"Chúng ta tận dụng những con người gác chắn tàu, sử dụng hệ thống đường sắt theo kiểu tận dụng. Hình như chúng ta đang có một tư duy: hệ thống đường sắt là độc đạo, không rẽ ngang rẽ dọc đi đâu được, một mình một cung đường, đến khi nào không chạy được nữa thì chúng ta mới xử lý.

Tôi cho rằng chúng ta thiếu tư duy 4.0, thiếu tư duy chiến lược chứ không phải ở chỗ đầu tư bao nhiêu, mua tàu đẹp về đặt ở đấy cũng không thể chạy được. Mọi thứ phải trên cơ sở đồng bộ, đồng bộ hóa phải bắt đầu từ tư duy, thể chế, sau đó mới đến vấn đề tiền. 

Còn những vấn đề về kỹ thuật hết sức đơn giản, lúc đó mới đào tạo nhân viên theo kiểu 4.0, còn như bây giờ không thể dùng 4.0 vào cái hệ thống 'tàu chợ' được" - ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Hơn 5.000 đường ngang không có rào chắn

Tại buổi tọa đàm, chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho biết đường sắt cả nước có 5.719 giao cắt đồng mức, trong đó tổng công ty quản lý 1.519 đường ngang chính thức, còn lại 4.200 lối đi tự mở. 

Trong 1.519 đường ngang chính thức, có 654 đường ngang có rào chắn. Có đến 5.065 đường ngang không có rào chắn, phụ thuộc hoàn toàn ý thức của người dân. Nhiều đường ngang chỉ để lối nhỏ cho người dân đi qua, ôtô không thể đi qua, nhưng bàn giao cho địa phương xong người dân lại nhổ đi. Trên 70% các vụ tai nạn xảy ra tại đường ngang dân sinh là do ý thức và công nghệ.

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN Vũ Anh Minh

"Với tốc độ phát triển của công nghệ như hiện nay mà chúng ta vẫn sử dụng công nghệ của hơn 100 năm trước để đầu tư. Chúng ta chỉ cắt đi chứ không đầu tư thêm, cắt đi những đường xuống cảng, coi như mất kết nối 'hậu phương'.

Với địa lý của chúng ta thì đường sắt là xương sống, đường bộ là kết nối, đường thủy là chạy theo đường cắt ngang và đường biển đi dọc đường ven biển vào. Mỗi loại hình giao thông có một chức năng riêng.

Tại các quốc gia phát triển, người ta sẽ chọn đường sắt vì chỉ cần lên tàu trước 5 phút để ổn định trước khi khởi hành, còn hàng không là chúng ta đi thì phải chờ đợi, check in trước 1-2 tiếng" - ông Minh chia sẻ.

Đất nước tiến lên nhưng đường sắt thụt lùi

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN quan ngại khi thế giới tiến lên, đất nước tiến lên nhưng riêng đường sắt thì đứng im hoặc thụt lùi. “Đường sắt là một công cụ phát triển, nhưng vấn đề ý thức, tầm nhìn của chúng ta còn hạn chế. Nếu chúng ta cứ để một công cụ phát triển của lịch sử đứng im như vậy thì chắc chắn hiệu quả không cao”, ông Thiên nói.

Ông cho rằng, nền kinh tế đã có nhiều tiến triển, nhưng hệ thống thể chế quản lý vẫn như xưa, vẫn như nông thôn. Chúng ta quan tâm đến rất nhiều thứ, nhưng đường sắt dường như lại đang bị lãng quên và bỏ rơi trong khi đường sắt được coi là lợi thế cho phát triển.

Viện trưởng Kinh tế Trần Đình Thiên

“Đường sắt hơn 100 năm, rất tụt hậu nhưng chỉ từ câu chuyện các vụ tai nạn gần đây thì chúng ta thấy được phải thay đổi toàn bộ cách nghĩ về đường sắt. Phải làm thế nào không thể để cho bước tiến 100 năm sau đó lại tụt hậu”, ông Thiên bày tỏ.

Ông Vũ Anh Minh cho hay, đường sắt đang siết chặt kỷ cương trong công tác an toàn. Trong 3 tháng tới, nếu đơn vị nào để xảy ra sự cố do chủ quan mà chưa đến mức cách chức thì giám đốc buộc phải từ chức. 

Ngoài ra, sẽ tổ chức sát hạch lại và kiểm tra lại, những cán bộ công nhân viên nào không đủ năng lực, trình độ thì tạm thời dừng công việc để học, sát hạch lần 2, lần 3, không đạt điều kiện thì nghỉ việc. 

Đơn vị cũng sẽ tăng cường áp dụng KHCN như lắp thiết bị giám sát hành trình trên đầu máy, camera trước và trong cabin đầu máy, tại khu vực ghi, phòng trực ban chạy tàu nhà ga, đường ngang… để tăng cường giám sát.

Theo TTO & VNN


Bài viết liên quan

zalo
0907 522 562